Preloader
  • Theo dõi :
RƯỢU BIA LÀM BẠN MẤT TRÍ NHỚ NHƯ THẾ NÀO?

RƯỢU BIA LÀM BẠN MẤT TRÍ NHỚ NHƯ THẾ NÀO?

Vào năm 1969, Tiến sĩ Donald Goodwin đã tập hợp một nhóm người tham gia nghiên cứu và yêu cầu họ nhớ lại một vật mà ông đã cho họ xem hai phút trước đó. Điều đặc biệt là tất cả những người tham gia đều đang trong tình trạng say xỉn. Dù vậy, hầu hết họ vẫn có thể chú ý đến nhiệm vụ và gọi tên chính xác món đồ chơi họ vừa thấy. Tuy nhiên, khi Donald yêu cầu họ nhớ lại vật đó chỉ sau 30 phút, một nửa số người tham gia không thể nhớ gì, vì họ đã quên hoàn toàn khoảnh khắc trước đó. Nghiên cứu này cho thấy những ảnh hưởng kỳ lạ và có phần chọn lọc mà rượu bia có thể gây ra cho não bộ.

Nhiều người say rượu vẫn có thể thực hiện những nhiệm vụ phức tạp như trò chuyện chi tiết hoặc đi bộ về nhà. Tuy nhiên, đối với những ai trải qua hiện tượng được gọi là "mất trí nhớ tạm thời" (blackout), ký ức về những sự kiện này sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Vậy rượu gây ra hiện tượng này như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta cần xác định thủ phạm. Trong một ly rượu có thể chứa hàng trăm hợp chất hóa học khác nhau, nhưng ethanol là chất chịu trách nhiệm chính cho những tác động của rượu lên não. Ethanol có cấu trúc nhẹ và dễ tan trong chất béo, vì vậy nó dễ dàng thẩm thấu qua màng bảo vệ não. Khi vào bên trong, ethanol tương tác với nhiều thụ thể thần kinh khác nhau, làm suy yếu các đường truyền tín hiệu, từ đó ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định, kiểm soát xung động và thậm chí cả kỹ năng vận động của bạn.

Nhưng đặc biệt, các mạng lưới điều khiển trí nhớ dường như rất nhạy cảm với tác động của rượu. Thông tin về môi trường xung quanh chúng ta được thu nhận qua các giác quan và truyền đến não. Các tế bào thần kinh chuyển tải thông tin này cho nhau qua các chất dẫn truyền thần kinh, khi chúng được giải phóng từ một tế bào và được tiếp nhận bởi thụ thể ở tế bào khác.

Ở đây mình giải thích Thụ thể xíu nha. 

Thụ thể hoạt động giống như một "ổ khóa", chỉ phản ứng khi có một cái "chìa khóa" phù hợp, và chìa khoá ở đây là các chất như: hormon hoặc chất dẫn truyền thần kinh. Khi chất này liên kết với thụ thể, " ổ khóa" này sẽ được mở ra, kích hoạt chuỗi phản ứng giúp tế bào thực hiện các nhiệm vụ như truyền tín hiệu, kích thích hoạt động của tế bào.

Ví dụ, khi một chất dẫn truyền thần kinh (như serotonin hoặc dopamine) liên kết với thụ thể của nó trên một tế bào thần kinh khác, nó sẽ giúp truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh, điều chỉnh các chức năng như cảm xúc, hành vi và trí nhớ.

Khi chất dẫn truyền thần kinh liên kết với thụ thể, ổ khoá sẽ được mở, cho phép các ion nhỏ đi vào. Nếu đủ số lượng ion vào tế bào, tế bào thần kinh sẽ phát tín hiệu sang tế bào khác. Quá trình này cho phép các khu vực khác nhau của não giao tiếp với nhau trong tích tắc, tạo ra nhận thức tức thì về thế giới xung quanh chúng ta. Nhưng ethanol lại can thiệp vào quá trình này, làm cho các tế bào thần kinh gặp khó khăn trong quá trình giao tiếp.

Việc lưu trữ thông tin trong trí nhớ phụ thuộc vào một quá trình gọi là củng cố trí nhớ dài hạn (LTP). Quá trình này đặc biệt quan trọng trong các vùng não liên quan đến học tập và ghi nhớ, như vùng vỏ não và hồi hải mã. Khi một tế bào thần kinh hoạt động, nó có thể gây ra sự thay đổi cấu trúc vật lý, chẳng hạn như tăng số lượng thụ thể trên bề mặt tế bào, làm cho tế bào đó dễ tiếp nhận tín hiệu hơn. Sự kết nối mạnh mẽ này giúp hình thành trí nhớ ổn định. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy ethanol có khả năng làm gián đoạn quá trình LTP, ngăn chặn việc lưu trữ thông tin, dẫn đến hiện tượng mất trí nhớ tạm thời (blackout).

Tất nhiên, không phải mức độ uống nào cũng gây ra hiện tượng mất trí nhớ tạm thời. Hiện tượng này xảy ra khi nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt qua một ngưỡng nhất định, khoảng 0.16% (0,16 gram cồn trong 100 ml máu). Ở mức thấp hơn, hiện tượng mất trí nhớ từng phần (brownout) có thể xảy ra, khi một số tế bào thần kinh vẫn hoạt động bình thường trong khi những tế bào khác không. Uống quá nhiều còn có thể khiến một người bất tỉnh hoàn toàn.

Những yếu tố khác như mức độ mất nước, yếu tố di truyền, thuốc men và cả lượng thức ăn bạn đã ăn cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng bị mất trí nhớ tạm thời. Thanh thiếu niên dường như dễ bị ảnh hưởng hơn do não bộ của họ đang trong giai đoạn phát triển mạnh.

Mặc dù tác động ngắn hạn của rượu thường không kéo dài hơn thời gian cơ thể chuyển hóa hết rượu (khoảng một ngày), nhưng việc uống quá nhiều, liên tục có thể gây tổn thương tế bào thần kinh và làm suy giảm trí nhớ vĩnh viễn. Nó cũng có thể gây hại cho các cơ quan khác, như gan, vì gan phải làm việc liên tục để xử lý rượu. Cho nên, bạn hãy cân nhắc việc sử dụng rượu beer trong thói quen sinh hoạt của mình nha.

Trân trọng biết ơn bạn đã đón nhận tri thứ

Chúc bạn luôn an vui - hạnh phúc và giàu toàn diện